Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Nguyễn Tịch
Nguyễn Tịch 阮籍
dt. (210-263) tên chữ là Tự Tông 嗣宗, người đất Trần Lưu 陳留, con của Nguyễn Vũ 阮瑀, từng giữ chức bộ binh hiệu úy 步兵校尉, một trong Kiến An Thất tử, thi nhân nổi tiếng đời Tam Quốc. Nguyễn Tịch có dung mạo khác thường, chí khí khoáng hoạt, phóng túng tự do, mừng giận không hiện ra nét mặt, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách, có khi hàng tháng không bước chân ra ngoài, có khi trèo lên núi ngao du sơn thuỷ mấy ngày quên trở về. Nguyễn Tịch đọc rất nhiều sách mà nhất là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Ông thích uống rượu, thổi sáo, giỏi đàn cầm, đương khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần nhập hoá. Người đời cho ông có si tính hay máu điên. Vì có cái cuồng danh đó mà Tư Mã Chiêu (con của Tư Mã Ý) đem lòng ngưỡng mộ, muốn kết thân với Nguyễn Tịch, nhưng ông không chịu nên cố ý say sưa luôn 60 ngày đêm để khỏi gặp Tư Mã Chiêu. Bề ngoài của Nguyễn Tịch trông rất phóng đãng, nhưng bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng là giả vờ để tránh tai hoạ, bảo trọng lấy thân mà thôi. Ông nhìn thấy triều đình càng lúc càng suy yếu, quan lại chuyên quyền, dua nịnh, ông rất đau lòng, nên đã kết tinh vào tác phẩm vịnh hoài thi 詠懷詩, gồm 82 bài, một kiệt tác của thời bấy giờ. Tấm lòng của ông bao la, tầm mắt rộng lớn mà không gặp được người đồng khí tương cầu nên đã phát tiết bi thương trong thơ văn. Nguyễn Tịch có viết sách Đạt Trang Luận 達莊論, thông lão luận 通老論 trong đó, ông xác định triết lý tự nhiên, luôn luôn ý thức cái lý đồng nhất. Năm thứ tư đời Cảnh Nguyên (năm 263), Nguyễn Tịch mất, hưởng dương 54 tuổi. Kê Khang thường ca tụng Nguyễn Tịch rằng: Nguyễn Tự Tông, miệng không bàn lỗi của người. Ta mỗi khi bắt chước điều ấy mà không kịp được, cùng cực bẩm tính hơn người, với sự vật không thương tổn, chỉ có cái uống rượu quá mức thôi. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.6). x. đen bạc, thanh bạch nhãn, đường cùng.
khóc 哭
AHV: khốc. Ss đối ứng ɲam (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 231].
đgt. trái với cười. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.6)‖ (Bảo kính 151.6)‖ (Vãn xuân 195.5).
lòng đan 𢚸丹
dt. <từ cổ> lòng son, lòng thành, tấm lòng trung, dịch chữ đan tâm 丹心. Nguyễn Tịch đời Tam Quốc trong vịnh hoài có câu: “Lòng son mất ơn trạch, đức nặng trật chốn ngơi.” (丹心失恩澤,重德喪所宜 đan tâm thất ân trạch, trọng đức táng sở nghi). Văn Thiên Tường đời Tống trong bài Quá linh đinh dương có câu: “Sống xưa nay ai mà chẳng chết, giữ lòng son mà viết sử xanh.” (人生自古誰無死,留取丹心照汗青 nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh). Đốt lòng đan chăng bén tục, bền tiết ngọc kể chi sương. (Cúc 217.3).
dt. lòng đơn (chơi chữ nước đôi). “dại lòng đan là cái dại đan róng mốt sơ sài để che chắn nên ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu (nhật nguyệt thâu). Trong nghề đan lát, có những từ nghề nghiệp chỉ cách đan hoặc tả mặt đan. Róng (hoặc lóng, dóng, nong) mốt, róng hai, róng ba, róng bốn, róng năm… là chỉ cách gài nan. Còn để tả mặt đan khi sản phẩm đã hoàn thành người ta nói: lòng đan, lòng kép, lòng thia, lòng gấm. lòng đan để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng mốt tạo nên. lòng kép để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng hai róng ba tạo nên. lòng thia để chỉ hoa văn mẹt sảy, nia sảy mà trên đó, nan dọc lao đi cách quãng như ném thia lia trên mặt nước. Dụng cụ này khi sảy, người ta sảy dọc để dễ thoát những phần tử nhẹ, khi gằn để gạn, người ta người ta gằn ngang để dễ giữ lại cát sạn hoặc phần tử được chọn dễ mắc vào nan dọc. lòng gấm để chỉ hoa văn do cách đan phức tạp tạo ra những hình như dệt gấm… có thể diễn ý rõ ra cái nghĩa này như sau: cửa ngọc là ngọc môn, chỉ nơi ở của vua, mà nơi đó đã chìm khuất sau sương khói xa xôi; còn ở nơi này chỉ là ngôi nhà phên vách đơn sơ, suốt ngày, ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu qua. Nhưng đó là nghĩa thực, lớp nghĩa thứ nhất của câu thơ. Bởi vì lòng đan còn có nghĩa là lòng son, là đan tâm (tấm lòng trung thành bền chặt), nhật nguyệt còn chỉ minh quân, chỉ vũ trụ, đất trời cho nên câu thơ còn hàm ý biểu hiện: tấm lòng trung thành bền chặt của ta đã có mặt trời mặt trăng soi thấu. ở đây rõ ràng câu thơ Nguyễn Trãi sử dụng yếu tố chơi chữ sâu kín và thầm lắng. Chúng tôi cũng đã nói về yếu tố chơi chữ đã xuất hiện trong quốc âm thi tập khi phân tích những chữ cấn cấnthia thia trong bài trước (ngòi khan ước ở làm cấn cấn, cửa quyền biếng mặc áo thê thê). Yếu tố chơi chữ này về sau, trong thơ nôm đã thực sự bùng nổ với phong phú những cách thức, những quan niệm. Cũng chính yếu tố này làm cho việc hiểu và phiên thơ nôm nhiều khi lưỡng lự, băn khoăn dẫn đến những giải pháp rất khác nhau, đôi tranh với nhau. ở trường hợp này đọc dại lòng đan vẫn có thể hiểu lớp nghĩa giãi lòng son như thường khi mà giại, giãi, dãi trong tiếng khu bốn đến nay vẫn phát âm không phân biệt và cũng còn nhiều chứng cứ ngữ âm về sự không phân biệt này cách đây ba bốn thế kỉ, dù ở bắc hay ở trung. Khu bốn chỉ là hình thức bảo lưu khi kinh kì phát triển nhanh và không ngừng mà thôi.” [NH Vĩ 2010: 662]. “rổ lồng hai: rổ đan bắt hai tre bỏ hai tre. rổ lồng mốt: rổ đan bắt một bỏ một tre” [VX Trang: 264]. Song cửa ngọc, vân yên cách, dại lòng đan nhật nguyệt thâu. (Trần tình 40.4). long, lồng, nong.
lương thần 良辰
dt. buổi đẹp trời. Nguyễn Tịch đời Tam Quốc trong bài Vịnh hoài có câu: “Hôm nao là buổi đẹp trời, áo khăn ta đọng sương trời chan chan.” (良辰在何許,凝霜霑衣襟 lương thần tại hà hứa, ngưng sương chiêm y khâm). Toan từ gặp tiết lương thần, thiếu một hai mà no chín tuần. (Vãn xuân 195.1).
Nhan Uyên 顏淵
dt. <Nho> Nhan Hồi 顏回 (521 - 481 tcn), họ nhan, tên hồi, tự là Tử Uyên 子淵, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông nhan do, người nước Lỗ. Nhan Hồi theo học với đức Khổng Tử, kém Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, nói điều gì cũng không cẩu thả, khi giận người nầy không giận lây người kia, đứng đầu khoa đức hạnh trong cửa Khổng. Khổng Tử thường khen rằng: ta có trò hồi, cho nên các học trò ngày càng thân với ta. Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, giỏ cơm bầu nước, nếu là người khác thì không chịu được mà lo buồn, Nhan Hồi thì tự nhiên vui vẻ, học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng. Đức Khổng Tử thường khen Nhan Hồi: hiền tai hồi dã! nhất đan tự, nhứt biều ẩm, tại lậu hang, nhân bất kham kỳ ưu, hồi giả, bất cải kỳ lạc! hiền tai hồi dã! (hiền vậy thay Nhan Hồi! một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!) Nhan Hồi mất lúc mới 31 tuổi. Đức Khổng Tử than rằng: - trời hại ta! trời hại ta! đời sau truy tặng Nhan Hồi là uyển quốc công, phối hưởng với Khổng Tử khi cúng tế và được tôn là phục thánh, một trong tứ thánh của nho giáo. Nhan Uyên nước chứa, bầu còn nguyệt, Đỗ Phủ thơ nên bút có thần. (Ngôn chí 12.5)‖ Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.5)‖ Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, đổi đất xong thì có khác nao. (Tự thuật 122.7).
tiện 賤
tt. thấp, hèn. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.5)‖ (Tự thuật 119.7).
tt. ít. Con cháu mựa hiềm song viết tiện, nghìn đầu cam quýt ấy là tôi. (Ngôn chí 13.7).
tt. mọn, xoàng. Lòng tiện soi dầu nhật nguyệt, thề xưa hổ có giang san. (Thuật hứng 63.5).
tt. kém cỏi. Tiện chẳng hay bề biến hoá, giương hai con mắt lại xem rồng. (Trư 252.6).
xanh bạc 青白
◎ Nôm: 撑泊
dt. dịch chữ thanh bạch nhãn青白眼, là cách nói gộp của thanh nhãn青眼(trọng thị) và bạch nhãn 白眼 (khinh thị). Bình thường nhìn thẳng thì mắt thấy con ngươi đen, không thèm nhìn mà ngó lên trời thì chỉ thấy lòng trắng, cho nên nói gộp là thanh bạch nhãn. Sách Tấn Bách Quan Danh viết: “Kê Hỉ tự là Công Mục, trải chức dương châu thứ sử, anh của Kê Khang. Khi nhà Nguyễn Tịch có việc hiếu, hỉ đến điếu. Tịch vốn có thể làm mắt xanh mắt trắng, khi gặp kẻ phàm tục thì nhìn bằng lòng trắng. Khi hỉ đến viếng, tịch không thèm khóc, nhìn hỉ mắt trắng dã, hỉ chán mà bỏ về. Khang nghe thấy chuyện ấy bèn cắp rượu ôm đàn đến chơi, rồi cùng nhau say khướt.” (嵇喜字公穆 ,歷揚州刺史, 康兄也。 阮籍遭丧,往弔之。 籍能為青白眼,見凡俗之士,以白眼對之。及喜往, 籍不哭,見其白眼, 喜不懌而退。 康聞之,乃齎酒挟琴而造之,遂相與善). Ai ai đều có hai con mắt, xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi. (Tự thuật 120.8)‖ x. Nguyễn Tịch.
đường cùng 唐窮
dt. HVVT dịch chữ cùng đồ 窮途. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.6)‖ đc. Nguyễn Tịch, một trong trúc lâm thất hiền đời Tam Quốc hay rượu hay thơ, nghe nói nhà bếp bộ binh khéo nấu rượu, chứa được ba trăm hộc rượu ngon, bèn xin làm bộ binh hiệu úy. Suốt ngày uống, có khi say cao hứng, đánh xe đi chơi, đến đường cùng thì bật khóc rồi quay về. x. Nguyễn Tịch.
đỗ 住
◎ Nôm: 杜 đỗ âm THV, “(djuc) LH doC, …to stop”, ngoài ra còn có 躅 (trú: dừng chân) và 逗 (đậu: đỗ) là các đồng nguyên tự. [Schuessler 2007: 625]. Zhù < drjuh < drjos [Baxter 1992: 195]. trú còn cho âm Việt hoá nữa là trọ (ở nhờ, ở thuê), trụ (giữ lại, như trụ hạng). AHV: trú.
đgt. dừng lại. Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ, trời ban tối ước về đâu? (Ngôn chí 14.7)‖ (Trần tình 42.5)‖ (Tự thán 83.5)‖ (Điệp trận 250.8).
đgt. <từ cổ> đậu lại mà làm tổ. Chim đến cây cao chim nghĩ đỗ, quạt hay thu lạnh quạt sơ thâu. (Trần tình 40.5)‖ (Tức sự 123.3)‖ (Nhạn trận 249.5). đỗ làm tổ đến chốn non cao < 巢棲到高山 (TKML ii 31a - sơn điểu).
đgt. <từ cổ> trú, lưu lại. Lều tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ, đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi. (Thuật hứng 57.5)‖ (quy côn 189.2).
đgt. trái với Trượt, như trụ hạng. Mấy người ngày nọ thi đỗ, lá ngô đồng khuở mạt thu. (Ngôn chí 3.7).